
Hiện nay, có thể nói rằng tiêm chủng vắc xin chính là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh các căn bệnh nguy hiểm cho trẻ em. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà các bậc phụ huynh đã làm nhỡ lịch tiêm phòng của trẻ. Đó có thể là quên, lo lắng con sẽ ốm sốt, chưa có hiểu biết về các loại vắc xin,… Và trong hoàn cảnh đó, nhiều cha mẹ thường sẽ rất hoang mang. Câu hỏi phổ biến nhất mà mọi người đặt ra chính là: Tiêm chủng vắc xin muộn liệu có còn tác dụng phòng bệnh cho trẻ nửa hay không? Nếu trẻ đã nhỡ lịch tiêm rồi thì cần phải làm những gì?
Hiểu được tâm lý đó, ngày hôm nay, th365.net sẽ gửi tới các bạn độc giả những thông tin về vai trò của việc tiêm chủng đúng lịch trong phòng bệnh cho trẻ. Chi tiết hơn, mời bạn đọc theo dõi ngay trong bài viết sau đây!
Vai trò của tiêm chủng vắc xin trong phòng bệnh cho trẻ
Việc tiêm ngừa được chứng minh là biện pháp tốt nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm. Theo nghiên cứu, có khoảng 85-95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra kháng thể. Các kháng thể đó sẽ giúp bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh.
Ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ ra tác dụng của tiêm chủng. Nhờ có vắc xin mà 2,5 triệu trẻ em không bị chết vì bệnh truyền nhiễm mỗi năm. Trẻ được chủng ngừa có sức khỏe tốt, thể chất và trí não phát triển bình thường. Chúng sẽ giúp tránh tối đa nguy cơ bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra.
Cũng theo WHO, lịch tiêm chủng được tính toán và lập ra dựa vào kết quả của vô số nghiên cứu cơ bản. Nghiên cứu trên động vật và thử nghiệm lâm sàng trong nhiều năm nhằm tìm ra ở độ tuổi nào, trẻ có phản ứng miễn dịch tối ưu và có mức bảo vệ tốt nhất. Cũng như ở độ tuổi nào trẻ đối mặt với nhiều nguy cơ gặp biến chứng hoặc tử vong cao khi mắc một trong những bệnh có thể chủng ngừa. Như vậy là, trẻ cần phải được tiêm đúng lịch khuyến cáo. Bởi khi đó, khả năng phòng vệ của vắc xin trước bệnh truyền nhiễm mới đạt hiệu quả cao nhất.
Thực trạng tiêm chủng vắc xin cho trẻ hiện nay
Trên thực tế, không phải trẻ nào cũng được tiêm chủng đúng lịch, bởi một trong các lý do như:
- Trẻ bị ốm vào ngày tiêm chủng nên phải hoãn tiêm.
- Bố mẹ không biết phải đưa trẻ đi tiêm chủng.
- Bố mẹ “xao nhãng” hay quên lịch tiêm chủng của con.
- Bố mẹ bận công việc.
Việc trẻ không được tiêm chủng đủ số mũi, hay tiêm không đúng theo lịch tiêm chủng, tiêm chủng muộn thì trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh nếu trẻ tiếp xúc với mầm bệnh xung quanh. Trong những năm gần đây, khi xảy ra dịch sởi, ho gà, bạch hầu đã ghi nhận không ít trẻ trong độ tuổi tiêm chủng bị mắc bệnh. Phần lớn đều do trẻ vẫn chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm chủng đủ mũi theo lịch.
Theo nguyên tắc, tiêm đúng lịch là tối ưu nhất cho việc phòng bệnh. Khi ấy, vắc xin sẽ phát huy tối đa được hiệu quả phòng vệ. Trong trường hợp trẻ bị nhỡ lịch tiêm phòng hoặc không được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin, khả năng phòng bệnh sẽ thấp. Bé có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Nhất là vào các mùa cao điểm của dịch bệnh.
Để không làm nhỡ lịch tiêm phòng cho trẻ, cha mẹ cần bám sát lịch chủng ngừa. Trong trường hợp quên hoặc bé bị bệnh/sốt không thể tiêm theo lịch, phụ huynh cần liên hệ các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn hướng khắc phục. Tùy theo từng loại vắc xin và bệnh lý cụ thể, cán bộ y tế có thể sẽ tư vấn tiêm bù cho trẻ.
Những điều cha mẹ cần làm khi nhỡ lịch tiêm chủng vắc xin cho trẻ
Trong trường hợp trẻ chưa được tiêm chủng theo đúng lịch thì trẻ cần được tiêm chủng càng sớm càng tốt ngay sau đó và không phải tiêm chủng lại từ đầu. Trẻ được tiêm chủng dù muộn hơn lịch vẫn có tác dụng phòng bệnh. Vì cơ thể vẫn có khả năng tạo được kháng thể bảo vệ sau khi tiêm chủng đủ liều. Trẻ được tiêm chủng càng sớm thì càng có cơ hội phòng bệnh sớm. Các bậc cha mẹ lưu ý, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để trẻ được phòng bệnh tốt nhất.
Nguồn: thanhnien.vn